Theo một thống kê ở Mỹ về số thời gian của một trẻ em từ lúc bắt đầu đi học cho đến khi học xong trung học, thì người ta ghi nhận như sau: 1% thời gian là ở nhà thờ,16% ở trường học và 83% ở gia đình. Như vậy, người chịu trách nhiệm chính về việc giáo dục đạo đức, nhân cách của con cái trong gia đình không ai khác hơn là các bậc làm cha làm mẹ.
Thật vậy, Đức Chúa Trời đã giao phó cha mẹ trách nhiệm dạy dỗ con cái mình “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.” (Châm ngôn 22:6) Trong luật pháp Môi-se cũng dạy “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi…” (Phục 6:6-7)
Chúng ta phải dạy con điều gì? và dạy con như thế nào? Chúng ta cùng nhau suy nghĩ về vấn đề dạy dỗ con cái trong gia đình theo đường lối của Chúa qua vua Đa-vít, một trong những gương dạy con được Kinh Thánh ghi lại trong 1 Sử ký 28:9-10; 20-21.
ĐA-VÍT DẠY CON NHỮNG ĐIỀU GÌ?
“Còn ngươi, là Sa-lô-môn, con trai ta, hãy nhận biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phục sự Ngài; vì Đức Giê-hô-va dò xét tấm lòng, và phân biệt các ý tưởng. Nếu con tìm kiếm Ngài, Ngài sẽ cho con gặp; nhưng nếu con lìa bỏ Ngài, ắt Ngài sẽ từ bỏ con đời đời. 10Bây giờ, khá cẩn thận; vì Đức Giê-hô-va đã chọn con đặng xây cất một cái đền dùng làm nơi thánh của Ngài: khá mạnh dạn mà làm.” (1 Sử ký 28:9-10)
Trong phân đoạn Kinh Thánh trên, ít ra chúng ta học được bốn điều mà Đa-vít đã dạy con mình là Sa-lô-môn.
- Biết Chúa: “Hãy nhận biết Đức Chúa Trời của cha” (c.9)
Điều đầu tiên mà Đa-vít dạy con mình là “nhận biết Chúa”. Như thế nào là biết Chúa? Biết Chúa có nhiều mức độ khác nhau và không ai dám nói mình biết Chúa đủ vì Ngài là vô hạn còn chúng ta là hữu hạn. Vì thế, chúng ta phải luôn khao khát được biết Chúa nhiều hơn. Động từ biết yada יָדַע trong Cựu ước ít nhất có 4 nghĩa: kiến thức, hiểu biết và phân biệt, kinh nghiệm và thừa nhận hay tuyên xưng. Biết trước hết có kiến thức về điều gì. Đây là bước đầu tiên của sự biết. Bước tiếp theo của biết là hiểu biết và phân biệt. Mức độ cao nhất của biết là kinh nghiệm trong đời sống (Sáng 4:1 cũng dùng động từ yada là biết và được dịch là “A-đam ăn ở với Ê-va” tức là sống, kinh nghiệm). Cuối cùng, biết còn bày tỏ qua sự xác tín tức là thừa nhận, tuyên xưng ra, như Phi-e-rơ đã tuyên xưng “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin và nhận biết Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời.” (Giăng 6:68-69). Biết Chúa chỉ là tri thức thôi thì chưa đủ mà phải kinh nghiệm Ngài trong đời sống mới thực sự là biết Chúa, như Tiến sĩ J.I.Packer đã viết trong quyến Biết Đức Chúa Trời “Một chút kinh nghiệm về Đức Chúa Trời còn hơn cả một đống kiến thức về Ngài”.
Nhưng làm sao để biết rõ Chúa? Thật ra là con người chúng ta không thể biết rõ Chúa nếu Ngài không tự bày tỏ cho chúng ta qua Kinh Thánh và qua Chúa Giê-xu. Về phần chúng ta, chúng phải có lòng khao khát học biết, hiểu biết và quen biết với Chúa qua việc học Kinh Thánh, cầu nguyện và có mối tương giao mật thiết mỗi ngày với Ngài. Chúng ta cần học theo gương của tín hữu Cô-lô-se mà Phao-lô đã khen ngợi “Đạo Tin lành đó ở giữa anh em cũng như ở trong cả thế gian; lại kết quả và tấn bộ cũng như trong anh em, từ ngày mà anh em đã nghe rao truyền ơn Đức Chúa Trời và đã học cho thật biết ơn đó.” (Cô-lô-se 1:6).
- Tìm kiếm Chúa: “nếu con tìm kiếm Ngài sẽ cho con gặp”
Điều thứ hai mà Đa-vít dạy con mình tìm kiếm Chúa. Muốn biết thì phải tìm kiếm. Chúa Giê-xu phán “Hãy tìm sẽ gặp”. Có thể nói cuộc đời của con người trên đất là những chuỗi ngày tìm kiếm: kiếm ăn, kiếm sống, kiếm tiền, kiếm thầy, kiếm vợ, kiếm chồng, kiếm công danh sự nghiệp…Nhưng có bao giờ con người tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của mình không? Thiết nghĩ chỉ có Kinh Thánh mới dạy con người phải tìm kiếm Chúa. Chúa mong muốn chúng ta là con dân Chúa tìm kiếm Chúa để biết Ngài. “Hãy cầu Đức Giê-hô-va và quyền phép Ngài, Hãy tìm kiếm mặt Ngài luôn luôn.” (Thi 105:4) Lời Chúa hứa “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.” (Giê. 29:13)
Hãy dạy dỗ, khích lệ con cái chúng ta sớm tìm kiếm Chúa để thực sự biết Ngài, kinh nghiệm Ngài. Tìm kiếm Chúa bằng cách nào? Hãy dạy con cái dành thì giờ tĩnh nguyện, đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày như KT dạy để có mối tương giao cá nhân với Chúa (Giô-suê 1:8) Cuộc sống bận rộn, ồn ào hằng ngày trong xã hội hiện đại dễ bào mòn đức tin chúng ta, kéo chúng ta xa Chúa. Vì thế, nếu không biết dành thì giờ ở riêng với Chúa để tâm hồn yên tịnh với Ngài thì chúng ta không thể biết Chúa. Kinh Thánh dạy ““Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất.” (Thi 46:10).
- Phục vụ Chúa: “Hết lòng vui ý mà phục sự Ngài”
Một điều quan trọng nữa mà vua Đa-vít dạy con mình là phục vụ Chúa. Ở ngoài đời, người ta chỉ dạy con em chúng ta phục vụ tha nhân, đồng loại, tổ quốc, đồng bào, dân tộc… nói chung là phục vụ con người thôi chứ không dạy phục vụ Chúa vì người ta chưa biết Chúa. Những điều họ dạy là đúng và tốt nhưng chưa đủ. Là con dân Chúa, chúng ta phải dạy cho con em mình biết phục vụ Chúa nữa. Chỉ có Kinh Thánh mới dạy chúng ta biết phục vụ Chúa, là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên chúng ta. Chúng ta phải dạy con cái phục vụ Chúa “hết lòng, vui ý”, nghĩa là bằng cả tấm lòng sẵn sàng với cả tâm trí, ý chí, nghị lực nữa. Sự phục vụ Chúa phải xuất phát từ lòng biết ơn Chúa thì mới hết lòng, vui ý được. Lời Chúa dạy “Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa. ( Rôm. 12:11) “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” (1 Cô. 15:58). Hãy dạy con cái mình phục vụ Chúa bằng cách dâng hiến tiền bạc, thì giờ cho Chúa, công việc Chúa, cầu nguyện và thăm viếng, giúp đỡ các tín hữu nghèo khó, ốm đau và làm chứng về Chúa cho những người chung quanh.
- Tinh thần mạnh mẽ, can đảm và không chán nản, bỏ cuộc: “Hãy vững lòng bền chí mà làm; chớ sợ sệt, chớ kinh hãi chi.”(c.20)
Vua Đa-vít trước hết dạy con về phương diện tâm linh là biết Chúa, tìm kiếm Chúa và phục vụ Chúa. Tiếp theo ông dạy con về triết lý sống, về tinh thần và lối sống tốt đẹp như là bí quyết để thành công trong cuộc đời, đó là tinh thần mạnh mẽ, can đảm và không chán nản, bỏ cuộc trong công việc. Đa-vít vốn là con người can đảm, mạnh mẽ từ tuổi thiếu niên, dám đối đầu với tên khổng lồ Gô-li-át, tuy nhiên Kinh Thánh cũng ghi lại đôi khi ông cũng ngã lòng, bi quan chán nản, nhất là khi bị Sau-lơ rượt đuổi tìm hại mạng sống ông, đến nỗi ông nghĩ rằng chắc mình sẽ chết vì tay Sau-lơ. Nhưng nhờ ơn Chúa, ông không bỏ cuộc và đã thành công. Cho nên ông muốn dạy cho con mình điều này bằng chính kinh nghiệm cá nhân. Vững lòng, bền chí, không sợ hãi là xuất phát từ sự biết Chúa, đức tin nơi sự bảo vệ, gìn giữ của Ngài, như chính ông đã từng kinh nghiệm “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào vì Chúa ở cùng tôi.” (Thi 23:4). Chính nhờ biết Chúa, tin cậy mà Đa-vít đã không ngã lòng “Ôi! Nếu tôi không tin chắc rằng sẽ thấy ơn của Đức Giê-hô-va tại đất kẻ sống, Thì tôi hẳn đã ngã lòng rồi!” (Thi 27:13).
- Dạy Mười điều răn cho con cái
Ngoài bốn điều cơ bản, quan trọng mà chúng ta phải dạy cho con cái theo gương vua Đa-vít, thiết tưởng chúng ta cần phải dạy cho con cái về Mười điều răn vì nó tóm tắt những giá trị cốt lõi về tâm linh và đạo đức Cơ Đốc. Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù phải sống hơn 70 năm dưới chế độ vô thần, các tín hữu Cơ Đốc ở Nga vẫn giữ vững đức tin là nhờ họ vâng giữ Mười điều răn. Sở dĩ xã hội Mỹ tốt đẹp và thịnh vượng vì từ khi lập quốc, họ đã giáo dục con em về Mười điều răn ở các trường học và các công sở. Nhưng tiếc thay ngày nay điều này không còn nữa. Chính quyền Mỹ đã cho tháo gở Mười điều răn ở các công sở và nếu ai chống lại sẽ bị phạt. Năm 2003 vị chánh thẩm phán Tối cao pháp viện tiểu bang Alabama là Roy Moore đã bị cách chức vì ông không chịu tháo gở bảng Mười điều răn nơi ông làm việc.
ĐA-VÍT DẠY CON BẰNG CÁCH NÀO?
Dạy con những điều chính yếu, cơ bản cho đời sống là việc quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là cách chúng ta dạy con vì nó quyết định tính hiệu quả của việc dạy dỗ. Ít ra có ba điều chúng ta học được nơi gương Đa-vít.
- Dạy bằng kinh nghiệm và gương mẫu: “Đức Chúa Trời của cha” (c.9)
Đa-vít không nói Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp là tổ phụ của ông, mà nói “Đức Chúa Trời của cha”, nghĩa là Đức Chúa Trời mà chính ông đã tin cậy và kinh nghiệm một cách cá nhân. Thật vậy, chính Đa-vít đã kinh nghiệm Chúa là Đức Giê-hô-va Rô-hiĐấng chăn dắt ông trải qua những gian truân trong cuộc đời; Ngài là Đức Giê-hô-va Shalom, Đấng gìn giữ và ban bình an cho ông; Đức Giê-hô-va Nissi, Đấng ban cho ông đắc thắng kẻ thù nghịch mình vv…và bây giờ ông muốn con ông là Sa-lô-môn kinh nghiệm Chúa như ông. Đa-vít đã dạy con bằng gương mẫu tin kính của mình nên chắc chắn có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Động từ dạy đặc biệt này trong Hy-bá-lai là Shan-nan שָׁנַן (Phục 6:7) rất khó dịch sang ngôn ngữ khác. Bản Kinh Thánh tiếng Việt 1925 của chúng ta dựa theo bản Hán văn là “ân cần giáo huấn” và dịch là “ân cần dạy dỗ”. Bản tiếng Anh NIV dịch là “impress”, nghĩa là gây ấn tượng (Impress them on your children). Dạy như thế nào để gây ấn tượng, khắc sâu trong tâm trí người học? Thiết nghĩ chỉ có dạy bằng gương mẫu như vua Đa-vít đã làm “hãy nhận biết Đức Chúa Trời của cha”. Đây là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất và đây cũng chính là triết lý giáo dục Cơ Đốc. Chính Chúa Giê-xu cũng đã dạy các môn đồ bằng chính gương mẫu của mình khi Ngài rửa chân cho các môn đồ. “Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.” (Giăng 13:14-15).
- Dạy bằng tình thương và tinh thần khích lệ: “Chúa sẽ ở cùng con luôn. Có nhiều người chung quanh giúp đỡ con.”(c.21)
Muốn dạy con hiệu quả, ngoài việc dạy bằng chính gương mẫu của mình, chúng ta phải dạy bằng tình thương và tinh thần khích lệ nữa. Tình yêu thương có sức mạnh cảm hóa, biến đổi con người. Đa-vít là người cha thương yêu con rất mực. Khi giao cho Sa-lô-môn trọng trách xây đền thờ cho Chúa, ông lo sắm sửa đủ mọi thứ và ân cần chỉ dạy con từng chi tiết cụ thể với tất cả lòng yêu thương vì ông biết Sa-lô-môn còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết nhưng cũng thiếu kiên nhẫn, dễ nãn lòng và bỏ cuộc, cho nên Đa-vít luôn kèm theo lời khích lệ “Chúa sẽ ở cùng con luôn. Có nhiều người chung quanh giúp đỡ con.”(c.21) “vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Trời của cha, vẫn ở cùng con; Ngài chẳng hề từ bỏ con, cũng chẳng hề lìa khỏi con cho đến chừng các công việc cất đền của Đức Giê-hô-va được xong.” (c.20). Ông luôn nhấn mạnh “Chúa sẽ ở cùng con” hai lần để động viên, khích lệ Đa-vít. Lời động viên, khích lệ với tình thương của cha mẹ có tác động tốt đến con cái.
- Dạy từ thuở còn thơ: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.” (Châm ngôn 22:6)
Cuối cùng, chúng ta cần nhắc nhở triết lý giáo dục theo Kinh Thánh là dạy con từ thuở con thơ “hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo”. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu măng mà không uốn thì thành tre rồi khó uốn lắm. Ca dao Việt Nam có câu “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở ban sơ mới về.” Chúng ta đang nói đến vua Đa-vít dạy con là Sa-lô-môn lúc này đã là một thanh niên khôi ngô tuấn tú. Tuy nhiên, không phải đến lúc lớn lên ông mới dạy mà chắc chắn ông đã dạy Sa-lô-môn từ lúc còn tấm bé và bây giờ ông tiếp tục dạy con. Nhờ đã dạy con từ lúc nhỏ nên bây giờ Sa-lô-môn dễ dàng vâng theo lời ông dạy. Xin Chúa giúp chúng ta quan tâm dạy dỗ con cái chúng ta đường lối Chúa ngay từ lúc nhỏ để khi lớn lên, “trở về già cũng hề lìa khỏi đó.”
Cơ Đốc giáo dục phải bắt đầu từ trong gia đình. Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân gia đình và ban cho con cái là cơ nghiệp đời đời và Ngài cũng giao cho chúng ta là bậc cha mẹ trách nhiệm dạy dỗ con cái mình đi theo đường lối của Chúa. Cơ nghiệp Chúa ban cho chúng ta có bền vững hay không là tùy thuộc vào việc chúng ta có làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cho Chúa không. Di sản đức tin Cơ Đốc chỉ được lưu truyền bằng cách dạy đạo cho con cái từ trong gia đình. Nếu không, di sản đức tin đó sẽ bị mai một dần và có nguy cơ một ngày nào đó sẽ bị phá sản.
Nguồn: httlvn.org